Tại Học viện Ngoại giao, thí sinh vẫn có thể xét tuyển ngành Báo chí - Truyền thông bằng tổ hợp C00. Ngoài ra, ngành Truyền thông quốc tế tại Học viện năm nay tuyển 460 chỉ tiêu với 12 tổ hợp đa dạng, từ Văn, Sử, Địa đến các tổ hợp có ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung…
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) giữ nguyên tổ hợp C00 cho ngành Báo chí, đồng thời bổ sung thêm các khối D01 và A01. Trường cũng tăng chỉ tiêu lên 2.650 (so với 2.300 năm ngoái) và dự kiến mở thêm ngành Truyền thông đa phương tiện và Quản trị nhân lực.
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tiếp tục tuyển sinh ngành Báo chí với 130 chỉ tiêu và 9 tổ hợp xét tuyển, trong đó có khối C00 cùng nhiều tổ hợp kết hợp giữa các môn Văn, Toán, tiếng Anh, GDCD...
ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên xét tuyển 6 tổ hợp thuộc khối C và 4 tổ hợp khối D cho ngành Báo chí, phản ánh sự đa dạng trong phương án xét tuyển.
ĐH Hòa Bình với ngành Truyền thông đa phương tiện cũng tuyển sinh bằng 4 tổ hợp khối C, ngoài ra còn có D01, D14 và tổ hợp có môn Tin học (TH9).
Riêng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2025 sẽ tuyển 2.050 chỉ tiêu theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi THPT. Các tổ hợp mới thay thế C00 bao gồm:
-
Văn – Tiếng Anh – Toán
-
Văn – Tiếng Anh – Giáo dục kinh tế và pháp luật
-
Văn – Tiếng Anh – Tin học
-
Văn – Tiếng Anh – Lịch sử
Môn Ngữ văn tiếp tục được nhân hệ số 2. Học viện cũng giữ yêu cầu đặc biệt với một số ngành như giảng viên lý luận chính trị, quay phim truyền hình… yêu cầu về ngoại hình, sức khỏe và không dị tật.
Về điểm chuẩn, năm 2024, ngành Truyền thông đa phương tiện và Truyền thông đại chúng có mức điểm cao nhất, lên đến 28,25 điểm, phản ánh mức độ cạnh tranh cao. Các ngành khác duy trì điểm chuẩn phổ biến ở ngưỡng 25–26.